Hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”

Ngày 26/4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp tác động bao trùm các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhiều nước đưa ra chính sách đóng cửa đã ảnh hưởng đến vận chuyển và hoạt động cảng biển, thiếu hụt nguồn hàng cục bộ. Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi, như viêm da nổi cục trâu, bò… gây phát sinh tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi. Vấn đề ô nhiễm môi trường và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao ngày càng gia tăng chi phí đầu vào của sản xuất ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến hoạt động chăn nuôi: các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm rét hại có thể sẽ xảy ra thường xuyên do tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Toán cầu hóa về tị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh về giá và cạnh tranh cả về chất lượng và đa dạng sản phẩm sẽ tăng lên khi sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam tron giai đoạn tới.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nhập khẩu bị gián đoạn, những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL, thời tiết diễn biến cực đoan… khiến người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam vẫn đang xu thế phát triển. Năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Cụ thể, sản lượng cá tra đạt 1,56 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu). Sản lượng tôm nước lợ đạt 950.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Diện tích nuôi biển đạt 260.000ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600.000 tấn. Trong đó cá biển 8.700ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38.000 tấn; nhuyễn thể 54.500ha, sản lượng 375.000 tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, sản lượng 2.100 tấn; rong biển 10.150ha, sản lượng 120.000 tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác…

Hiện nay, người nuôi thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Cụ thể, dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.

Thêm nữa, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm.

Diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường, hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long làm cho thủy sản dễ bị bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn, ảnh hưởng sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi; đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi và hướng dẫn các địa phương triển khai thi hành Luật Chăn nuôi. Ông Dương cũng đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026-2030 phù hợp với khung Chiến lược chăn nuôi toàn ngành và định hướng kinh tế – xã hội của từng địa phương, thời gian hoàn thành trong quý II/2021.

Đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế, nguồn lực của địa phương, khối tư nhân… các địa phương chủ động xây dựng chương trình/nhiệm vụ cụ thể dự kiến nhằm thực hiện các nội dung trong Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.

Tổng cục Thủy sản phối hợp địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Các địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ cho chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.

Ông Trần Đình Luân cũng cho biết, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tích cực phối hợp với các đơn vị xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tổ chức nắm bắt, phân tích, dự báo tốt thị trường để kịp thời điều tiết sản xuất trong nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức tiến nhấn mạnh, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực sản xuất quan trọng của ngành nông nghiệp. Trước bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu,… đòi hỏi hai lĩnh vực này cần phân tích tình hình, triển khai nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vẫn đang diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn châu Phi hiện đang ở quy mô nhỏ lẻ nhưng diễn biến rất khó lường, dịch cúm H5N6 tác động đến chăn nuôi gia cầm… nếu không có các giải pháp kịp thời chăn nuôi sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn.

Thị trường xuất khẩu thủy sản hiện đã có nhiều thay đổi, nếu sản xuất không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì không đảm bảo xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cần phải xử lý các vấn đề lớn như: dịch bệnh, tác động của thời tiết khí hậu để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng các lĩnh vực nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *