Giá thức ăn cho ngành thủy sản, chăn nuôi đang cao hơn 20-30%
Tình hình Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, hoạt động thương mại bị ảnh hưởng do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, mối nguy từ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu đối với các ngành chăn nuôi, thủy sản.
Mặc dù thị trường tiêu thụ thu hẹp, khó khăn nhưng giá các sản phẩm của ngành chăn nuôi, thủy sản lại tăng không giảm do giá thức ăn tăng. Hiện giá thức ăn cho chăn nuôi và thủy sản cao hơn khoảng 20-30% so với trung bình khiến giá thành và giá bán tăng theo.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong cơ cấu giá thành sản xuất thủy sản thì thức ăn chiếm khoảng 50-70%, trung bình là 60%. Do đó, khi giá cả biến động sẽ rất nhanh tác động đến thị trường, làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro cho lĩnh vực thủy sản đặc biệt là giảm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản.
“Khi giá thức ăn chưa tăng, chi phí sản xuất thủy sản của Việt Nam đã cao hơn một số quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Tổng cục Thủy sản đang cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm ra giải pháp để giảm tối đa tác động của việc chi phí thức ăn tăng lên đối với hiệu quả sản xuất của ngành thủy sản” – ông Trần Đình Luân nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành gia cầm, trong khi đó giá trứng, thịt lại đều đang giảm khiến người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cơ xa hơn là việc giảm quy mô đàn do không đủ khả năng duy trì sẽ khiến nguồn cung vào Quý II, III năm 2021 bị giảm.
Tuy nhiên, việc áp dụng giá trần đối với thức ăn chăn nuôi như một số quốc gia đang áp dụng thì ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng điều này là chưa cần thiết và nên chấp nhận để quy luật cung – cầu của thị trường quyết định giá.